top of page
Search
Writer's pictureTiếng Trung Ni Hao

NHỮNG TRUYỀN THUYẾT VỀ TẾT TRUNG THU Ở TRUNG QUỐC

Theo văn hóa dân gian Trung Quốc, lễ hội trăng tròn gắn liền với truyền thuyết Hậu Nghệ, Hằng Nga, thỏ ngọc và nguyệt bánh.

Trung thu hay ngày hội trăng rằm là dịp lễ lớn thứ 2 trong năm của Trung Quốc, sau Tết Nguyên Đán. Vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm, các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên bữa cơm đoàn tụ và thưởng thức bánh Trung thu. Người dân ở đây có nhiều truyền thuyết để giải thích sự ra đời của ngày Tết này.


1.Truyền thuyết Hằng Nga và Hậu Nghệ

Truyền thuyết về Hằng Nga và Hậu Nghệ có nhiều dị bản khác nhau. Phiên bản phổ biến nhất được lưu truyền như sau: Vào thời xa xưa, trên bầu trời xuất hiện cùng lúc 10 mặt trời, thiêu đốt cỏ cây và khiến cuộc sống con người khốn khó. Lúc này, một cung thủ có tên Hậu Nghệ xuất hiện và bắn rụng 9 mặt trời. Anh đã để lại một mặt trời, hàng ngày tỏa sáng và đem lại sự sống tốt tươi cho trái đất. Sau đó, Hậu Nghệ gặp gỡ và kết hôn cùng một người phụ nữ tốt bụng, xinh đẹp tên Hằng Nga.



Câu chuyện sử tích về Hằng Nga còn phải kể đến chàng tướng quân Hậu Nghệ bắn hạ mặt trời cứu giúp nhân loại thoát khỏi đại nạn. (Ảnh Epoch Times)

Để trả ơn cho Hậu Nghệ, Tây Vương Mẫu đã ban cho anh một viên thuốc trường sinh bất tử để giúp anh thành thần. Tuy nhiên, vì muốn sống bên người vợ của mình, Hậu Nghệ đã cất giấu viên thuốc trong một chiếc hòm. Sự việc truyền đến tai Bàng Mông (Peng Meng), một học trò của Hậu Nghệ. Hắn đã nảy sinh ý đồ đánh cắp viên thuốc. Khi Hậu Nghệ đi săn, tên học trò đã ép Hằng Nga phải giao viên thuốc. Trong tình huống cấp bách, cô đành nuốt trọn viên thuốc tiên và hóa phép bay thẳng về trời. Để được gần bên chồng, Hằng Nga ở lại cung trăng, ngày đêm trông ngóng về quê hương.

Vì quá thương nhớ người vợ hiền, cứ vào dịp trăng tròn, Hậu Nghệ lại bày một mâm cỗ với những món vợ thích, mong cô có thể trông thấy từ cung trăng. Phong tục này được người dân noi theo và dần trở thành lễ Trung thu, với mong ước sum vầy và cầu may từ Hằng Nga.


Truyền thuyết thỏ ngọc

Theo truyền thuyết, trước đây, có 3 vị thần đã cải trang thành những ông già nghèo khó để thử lòng cáo, khỉ và thỏ. Sau khi khỉ và cáo trao cho họ thức ăn, chỉ còn lại duy nhất thỏ không có gì. Tuy nhiên, vì lòng tốt bụng, thỏ trắng liền nói" "Các vị hãy ăn thịt tôi" và nhảy vào lửa. Quá cảm động trước tấm lòng của thỏ, 3 vị thần đã đưa nó lên cung trăng. Từ đó, thỏ ngọc ở lại đây với Hằng Nga, hàng ngày giã thuốc trường sinh cho các vị thần.


Thỏ Ngọc là người bạn luôn đồng hành bên Hằng Nga và thường dùng cái chày để giã thuốc trường sinh và trông coi cung trăng.

Truyền thuyết về bánh Trung thu

Món ăn này xuất hiện cách đây 3.000 năm trước, trong triều nhà Thương với tên gọi Taishi. Tuy nhiên, vào cuối triều Nguyên (triều đại do những người Mông Cổ thành lập 1271 - 1368), người dân đã không thể chịu sự cai trị tàn khốc của triều đình. Vì vậy, Chu Nguyên Chương, người sau này sáng lập triều đại Minh, đã hợp nhất các lực lượng để nổi dậy.

Tuy nhiên, ông buồn phiền vì không thể tìm ra cách để truyền đi những thông điệp. Lúc đó, người cố vấn của ông là Lưu Bá Ôn đã hiến một kế sách. Họ dùng giấy viết, hẹn ngày khởi nghĩa vào đêm trăng sáng, tức 15/8 âm lịch, đặt vào giữa của những chiếc bánh hình tròn và gửi làm quà tặng cho các lực lượng binh mã.


Bánh nướng Trung thu thường chứa nhân đậu đỏ và hạt sen. Ảnh: afamily.vn

Sau đó, cuộc chiến thành công, Chu Nguyên Chương lập nên triều đại nhà Minh. Từ đó, ăn nguyệt bánh vào ngày trăng tròn đã trở thành một phong tục trong ngày lễ Trung thu. Ngày này, những thành viên trong gia đình cùng nhau ăn tối, tặng bánh như một lời cầu chúc sức khỏe, tròn đầy.

37 views0 comments

Comentários


bottom of page